Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh chàm là gì. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh chàm là gì. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Những câu hỏi thường gặp về bệnh chàm

Nguyên nhân của bệnh chàm là gì?

Nguyên nhân của bệnh có nhiều và thay đổi, tùy thuộc vào thể bệnh của bệnh nhân. Chàm thể tạng được cho là một tình trạng có liên quan đến di truyền. Người bệnh chàm thể tạng nhạy cảm với các dị ứng nguyên trong môi trường, trong khi các chất này lại vô hại đối với người khác.

>> Sẹo chàm và bí quyết xóa bay sẹo chàm

Những câu hỏi thường gặp về bệnh chàm - http://tricham.blogspot.com

Người bệnh có phản ứng miễn dịch quá mức làm cho da viêm, kích ứng và rát. Những bệnh cơ địa có liên quan đến chàm thể tạng gồm có hen và sốt cỏ khô.

Các thể chàm khác gây ra bởi chất kích ứng như hóa chất hay chất tẩy rửa, chất gây dị ứng như nickel và nhiễm nấm. Ở những người lớn tuổi, chàm có thể do các vấn đề về tuần hoàn máu. Nguyên nhân gây ra một số thể bệnh chàm vẫn chưa được giải thích, người ta chỉ mới phát hiện ra mối liên hệ giữa bệnh với các yếu tố môi trường và stress.

Chàm có những thể bệnh nào?

Chàm thể tạng

Chàm thể tạng là thể thường gặp nhất và có liên hệ chặt chẽ với hen và sốt cỏ khô. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, thường có tính chất gia đình. Triệu chứng thường gặp nhất là ngứa, có thể không chịu nổi. Các triệu chứng khác gồm có khô da toàn thân, đỏ và viêm. Gãi liên tục có thể làm cho da trầy sước gây nhiễm trùng.

Chàm bội nhiễm có triệu chứng nứt da và rỉ dịch. Điều trị bao gồm thuốc làm mềm da để duy trì độ ẩm và steroids để giảm viêm.

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng khi da tiếp xúc với một chất nào đó. Ví dụ, phản ứng dị ứng có thể xảy ra với nickel, đây là một kim loại thường gặp ở bông tai, khóa thắt lưng và nút quần jeans. Các phản ứng cũng có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với một số chất khác như nước hoa và cao su. Để phòng ngừa những phản ứng lặp lại, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với bất kỳ thứ gì mà bạn biết sẽ gây ra một vết dị ứng.

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Thể bệnh này gây ra do tiếp xúc thường xuyên với các chất trong cuộc sống hàng ngày như chất tẩy rửa và hóa chất mà gây kích ứng cho da. Bệnh thường xảy ra ở bàn tay, có thể ngăn ngừa bằng cách tránh các chất gây kích ứng và giữ ẩm cho da.

Chàm tiết bã trẻ em

Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, nguyên nhân chính xác chưa rõ. Bệnh thường bắt đầu ở da đầu hay vùng tã lót và nhanh chóng lan rộng. Mặc dù bệnh trông có vẻ khó coi nhưng không gây đau hay ngứa và không làm cho trẻ khó chịu. Bình thường bệnh sẽ hết trong một vài tháng, nếu dùng một số loại kem và dầu tắm giữ ẩm bệnh sẽ cải thiện nhanh hơn.

Chàm tiết bã người lớn

Gặp ở tuổi 20 đến 40. Bệnh thường có ở da đầu dưới dạng gầu nhẹ, nhưng có thể lan đến mặt, tai và ngực. Da trở nên đỏ, viêm và bắt đầu bong vẩy. Bệnh được cho là do nấm gây ra. Nếu có viêm nhiễm, cần điều trị với một loại kem chống nấm.

Chàm ứ đọng

Bệnh ảnh hưởng chi dưới ở người trung niên hay lớn tuổi, do tuần hoàn tĩnh mạch kém. Vùng da quanh mắt cá thường bị, có những đốm nhỏ, ngứa, viêm. Điều trị với thuốc làm mềm da và kem steroids. Nếu không điều trị, da có thể nứt ra dẫn đến loét.

Chàm dạng đĩa

Thường gặp ở người lớn và xuất hiện đột ngột dưới dạng một vài sang thương da đỏ hình đồng xu, ở thân mình hay cẳng chân. Da trở nên ngứa và rỉ dịch. Bệnh thường điều trị với thuốc làm mềm da (và kem steroids nếu cần).

Có chữa khỏi bệnh chàm được không?

Hiện tại, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hẳn bệnh chàm mặc dù các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu và có những phát hiện mới về bệnh. Tuy nhiên, có nhiều cách để giảm bớt khó chịu do bệnh đem lại. Phổ điều trị rộng rãi dễ tìm, hoặc thuốc không kê toa ở nhà thuốc hoặc thuốc cần có toa của bác sĩ. Nhiều loại thuốc điều trị hỗ trợ sẵn có, đem lại kết quả cho một số người. Ngoài ra, cần giảm thiểu dị ứng nguyên môi trường thường gặp trong nhà.

Một trẻ bệnh chàm, lớn lên có hết bệnh?

Không có đảm bảo rằng một đứa trẻ mắc bệnh khi lớn lên sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy 60-70% bệnh nhi hầu như hết bệnh khi chúng lên đến khoảng 15 tuổi.

Điều trị bệnh chàm như thế nào?

Có một số phương pháp điều trị bệnh chàm, tất cả đều phải bắt đầu với việc chăm sóc da hằng ngày hiệu quả.

Chất làm mềm da

Chất làm mềm da cần thiết để giảm mất nước qua da, ngăn ngừa sự khô da thường liên quan đến chàm. Có một lớp bảo vệ, da bớt khô, bớt ngứa và cảm thấy dễ chịu hơn. Chất làm mềm da an toàn khi sử dụng thường xuyên và có nhiều dạng: dạng mỡ cho da rất khô, dạng kem và dung dịch cho chàm thể nhẹ đến trung bình hay chàm tiết dịch.

Một số loại được bôi trực tiếp vào da, trong khi số khác dùng dạng thay thế cho xà phòng hoặc thêm vào nước tắm. Chất làm mềm da có sẵn trên thị trường rất nhiều và có thể thử một vài loại trước khi tìm ra loại phù hợp nhất cho mình. Trước tiên nên thử một lượng nhỏ trên da bởi vì có một số người nhạy cảm với các chất chứa trong chất làm mềm da.

Steroids bôi

Khi bệnh có thể kiểm soát được thì chỉ cần chất làm mềm da. Tuy nhiên, ở những đợt bùng phát, khi da trở nên viêm thì cần sử dụng một loại kem steroids. Thuốc steroids bôi có 4 mức độ: nhẹ, trung bình, mạnh và rất mạnh. Độ mạnh của steroids điều trị tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân, độ nặng của bệnh, diện tích vùng cơ thể cần bôi. Bôi steroids một lớp mỏng lên vùng da bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh sẽ được đánh giá đều đặn. Chỉ nên sử dụng thuốc steroids mà bác sĩ kê toa cho chính mình, không nên mượn một thuốc bôi không phù hợp của người khác. Nhiều người băn khoăn về việc sử dụng steroids và tác dụng phụ của chúng. Nếu steroids dùng hợp lý và theo chỉ dẫn của bác sĩ thì khả năng gây tác dụng phụ là rất hiếm. Các tác dụng phụ được báo cáo phần lớn là do sử dụng loại rất mạnh trong thời gian dài.

Steroids uống

Steroids uống đôi khi được sử dụng trong những trường hợp rất nặng và dưới hướng dẫn của một bác sĩ chuyên khoa da liễu, khi mà steroids bôi tỏ ra kém hiệu quả. Bác sĩ nên theo dõi kỹ các tác dụng phụ khi điều trị.

Thuốc điều hòa miễn dịch bôi

Đây là những thuốc mới đã có để điều trị bệnh chàm thể tạng.

Các điều trị khác

Kháng Histamine giảm ngứa, viêm. Băng ướt để làm dịu da khô ngứa. Đối với chàm rất nặng, có thể xem xét sử dụng ánh sáng cực tím và các thuốc mạnh hơn.

Cần phải làm gì để giảm bệnh?

Cùng với các phương pháp điều trị trên, có một số cách khác giúp giảm độ nặng của bệnh. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng một phương pháp có hiệu quả với bệnh nhân này nhưng không phải cũng tốt với bệnh nhân khác.

Giảm ngứa

Đối với trẻ em, ngứa do chàm đặc biệt khó chịu. Có nhiều phương pháp giảm ngứa và hạn chế tổn thương da do gãi. Quần áo và nệm giường bằng vải cotton sẽ giữ cho da mát và thông thoáng, trong khi sợi tổng hợp và len có thể gây kích ứng. Móng tay chân của trẻ nên được cắt ngắn. Các hoạt động ban ngày là cách tốt nhất giảm số lần gãi. Vào ban đêm, nên đeo cho trẻ các găng tay bằng cotton để giảm tổn thương da do gãi trong lúc ngủ.

Giảm ảnh hưởng của mạt bụi nhà

Những người bệnh chàm thể tạng có thể bị ảnh hưởng bởi các dị nguyên của con mạt bụi nhà. Con mạt phát triển ở môi trường ấm và ẩm, thích sống trên giường, nệm, màn cửa, tấm thảm. Người ta tin rằng giảm số lượng mạt bụi nhà có thể giảm bệnh. Nên hút bụi đều đặn và hiệu quả, chống ẩm và làm sạch bụi giường chiếu, nệm.

Việc thay đổi chế độ ăn có giúp ích gì không?

Vai trò của chế độ ăn trong xử trí bệnh chàm chưa được chắc chắn. Những thay đổi nói chung trong chế độ ăn chỉ nên được xem xét trong các trường hợp nặng, khi mà điều trị thường quy thất bại.

Phương pháp có thể khá hữu ích ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi thay đổi chế độ ăn của một bệnh nhi, cần phải có ý kiến của chuyên gia về dinh dưỡng để chắc rằng đứa trẻ vẫn nhận đủ dinh dưỡng hàng ngày. Đôi khi cần có một nhật ký chính xác về thức ăn đã ăn trong ngày và tình trạng bệnh. Đây là một chủ đề lớn và phức tạp.

Q/c : Phân phối đặc sản Mực rim me Nha Trang tại Hà Nội giá tốt nhất, SĐT : 0985.350.352

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Bệnh Chàm là gì ?

Chàm là một bệnh da phổ biến, có trên khắp thế giới và là bệnh thường thấy nhất.
Các bệnh da xếp vào nhóm bệnh “chàm” tại hầu hết các quốc gia được dùng để chỉ một phạm trù riêng biệt lớn nhất trong các chẩn đoán bệnh ngoài da.

Khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh chàm. Ở Việt Nam bệnh chàm chiếm 25% trong tổng số các bệnh ngoài da và là một trong những lý do hàng đầu khiến bệnh nhân phải đến khám bệnh da liễu.

Chàm là một loại bệnh có sự phối hợp với những biến đổi về mặt địa lý, về chủng tộc và tính mạn của nó. Tỷ lệ tăng ở những quốc gia, ở vùng nhiệt đới. Tại London 18% chàm được tìm thấy trong các đối tượng đến khám bệnh. Một số điều tra về các bệnh da tại phòng khám tổng quát phát hiện 33% và 23% trong tất cả các trường hợp tại Glasgow và Oxford. Chàm chiếm 17% trong tất cả các bệnh tại Hylạp.

Bệnh chàm không gây tử vong, nhưng gây ngứa ngáy, hoặc khô căng da khó chịu, và bệnh thường xuyên tái phát tới lui nhiều lần trong đời, và, như một số căn bệnh da khác, chàm cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ.

Chàm là một bệnh da viêm, ngứa, không lây truyền, có thể ở dạng cấp, bán cấp hay mạn tính.

Biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng nhưng nói chung bao giờ cũng có đặc tính sau:

- Về lâm sàng : có ngứa, có mụn nước sắp xếp thành từng mảng giới hạn không rõ, tiến triển thành từng đợt, dai dẳng hay tái phát.

- Về giải phẫu bệnh lý : có thương tổn thuộc loại xốp bào.

- Về sinh bệnh học : người ta cho rằng hai yếu tố cơ bản phát sinh ra chàm là cơ địa dị ứng và tác nhân kích thích ở trong hay ngoài vào cơ địa ấy. Cả hai yếu tố đều thay đổi nhiều ít tùy theo từng trường hợp.

Nguyên nhân

Bệnh chàm phát sinh do hai yếu tố : cơ địa và dị ứng nguyên.

1. Cơ địa

- Có thể có tính chất gia đình, di truyền, tiền sử trong gia đình bệnh nhân có thể có người bị chàm, dị ứng, hen suyển. Có nhiều công trình mới đã chứng tỏ cơ địa là những biến đổi sinh vật, chuyển hóa các chất do rối loạn chức năng nội tạng, nội tiết, thần kinh

- Các tác nhân kích thích bên trong, kèm theo có thể bị viêm mũi xoang, xơ gan, viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm tai xương chũm, các bệnh về thận...

- Có thuyết cho rằng do rối loạn thần kinh vận mạch, rối loạn chức năng thận, tiêu hóa nhưng chưa được chứng minh.

2. Dị ứng nguyên

- Các thuốc hay gây phản ứng : lưu huỳnh, thủy ngân, thuốc tê, sunfamid, chlorocid , penicillin, streptomycin.
- Hóa chất gây bệnh do nghề nghiệp : xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, sơn xe, dầu mỡ, than đá, phân hóa học, thuốc sâu, acit, kiềm,...

- Các sản phẩm vi sinh có cơ chế dị ứng : vi khuẩn, nấm, siêu vi.

- Các yếu tố môi trường sống : khói, bụi, lạnh, nóng, ẩm.

- Yếu tố tâm thần kinh cũng ảnh hưởng lên bệnh này, vì thế với một số người chàm cũng có thể nặng lên sau những chấn thương tâm lý, stress, lo âu căng thẳng.

Phân loại , diễn tiến và điều trị

Có nhiều hình thái, cách thức phân chia bệnh chàm.

Để đơn giản, chúng ta tạm chia làm hai loại chàm: chàm khô và chàm ướt (khi thương tổn là những mụn nước, hoặc đang rỉ dịch, rất ngứa và dễ bội nhiễm).

Những người có biểu hiện chàm khô nứt nẻ, thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, nặng lên khi trời lạnh, hoặc khi tiếp xúc hóa chất, xà bông, chất tẩy rửa...

Bệnh chàm có thể điều trị dứt điểm không?

Chàm không thể trị dứt hẳn được.

Việc điều trị là nhằm kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa, hay trị liệu tình trạng bội nhiễm nếu có, làm giảm các biểu hiện viêm da, làm da mềm mại và loại bỏ các mảng vẩy, các rãnh nứt và làm giảm thiểu sự xuất hiện của những thương tổn mới trên da.

Bệnh có những cơn thuyên giảm với những đợt tái phát cấp tính hay vẫn kéo dài kinh niên, ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một số lời khuyên sau đây mang tính chất ngăn ngừa sự tái phát và trầm trọng của bệnh

- Những người mắc bệnh chàm cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tìm và tránh tối đa những gì có thể là nguyên nhân gây bệnh cho mình như một số thức ăn, thuốc uống, mỹ phẩm, trang sức, xà phòng, hóa chất tẩy rửa, thuốc nhuộm... đồng thời cũng cần biết cách chế ngự stress, và luôn thực hiện theo đơn bác sĩ.

- Bên cạnh đó, ta cần thường xuyên thoa các chất giữ ẩm, làm mềm da và nên chọn các chất không màu, không mùi. Các chất này có thể thoa xen kẽ với các thuốc điều trị được bác sĩ kê đơn và khi bệnh thuyên giảm, vẫn tiếp tục sử dụng thường xuyên mỗi ngày.

+ Với trường hợp chàm ướt, bệnh nhân thường được khuyên dùng thuốc tím pha loãng để ngâm rửa thương tổn, thoa các dung dịch màu như màu xanh Methylene, màu đỏ Eosine, màu tím Gentian...

+ Với những người bị chàm làm nứt nẻ ở bàn chân, gót chân thì việc bảo vệ bàn chân khỏi nguồn không khí lạnh như mang vớ mềm và thoa liên tục các chất giữ ẩm để làm mềm da là rất cần thiết.

- Các loại thuốc uống giúp an thần, giảm ngứa, giải mẫn cảm, kháng sinh hoặc các loại thuốc thoa có chứa chất corticosteroid, chất điều hòa miễn dịch, chất tiêu sừng... sẽ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn tùy theo tuổi tác, cơ địa bệnh nhân, vị trí thương tổn, nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ, giai đoạn bệnh...

- Vì tính cách đa dạng kèm theo diễn tiến phức tạp của bệnh với nhiều loại thuốc cần phải sử dụng, nhiều phương pháp điều trị cũng như bác sĩ chuyên khoa cần phải được xem bệnh trực tiếp mới có thể có chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh , lời khuyên tốt nhất dành cho bệnh nhân là : nên được bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám bệnh trực tiếp và cho chỉ định điều trị, kèm theo những hướng dẫn chăm sóc vùng da bị tổn thương và phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa bệnh tái phát.